Tin mới
VQC thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền
picture VQC thông báo thay đổi ngày đăng ký cuối cùng thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền
VQC công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
picture VQC công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
VQC Hiệu chỉnh tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
picture VQC Hiệu chỉnh tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
VQC công bố Báo cáo thường niên...
Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ...
VQC công bố Báo cáo tài chính năm...
Thông tin cần biết
Thời tiết Vàng Tỉ giá
Cổng thông tin Quacontrol
Văn phòng điện tử
Thứ 6, Ngày 10 tháng 10 năm 2014   

TKV: Một Chặng đường vẻ vang

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), 10-10 (1994-2014), phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV TKV về những thắng lợi, khó khăn và về truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm của các thế hệ thợ mỏ qua chặng đường vẻ vang 20 năm và những định hướng chiến lược trong giai đoạn tới.

- Là một người gắn bó và trưởng thành từ ngành Than, hiện nay với cương vị là lãnh đạo Tập đoàn, ông có thể chia sẻ về những thách thức và thành công mà tập thể CBCN trong ngành đã nỗ lực đạt được trong 20 năm qua?

+ Có thể nói, quá trình phát triển 20 năm của TKV trải qua 2 giai đoạn lớn. Giai đoạn 1994-2005 là giai đoạn hình thành và phát triển trong mô hình Tổng Công ty 91 và giai đoạn từ 2005 đến nay là giai đoạn hình thành và phát triển trong mô hình Tập đoàn kinh tế. Trong mỗi giai đoạn lớn này lại có những thời kỳ đánh dấu những bước phát triển mang tính lịch sử, bước ngoặt của TKV.

Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) được thành lập theo Quyết định số 563/TTG ngày 10-10-1994 của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh ngành công nghiệp Than lúc đó phải đối mặt với những thử thách to lớn như nạn khai thác, kinh doanh than trái phép hoành hành, đẩy các công ty than vào thế bị động, lúng túng, phải cắt giảm sản xuất, công nhân thiếu việc làm, đời sống rất khó khăn, môi trường Vùng mỏ bị ô nhiễm nặng nề... Nhận rõ những thách thức phải đương đầu, lãnh đạo TVN đã chọn thị trường là khâu đột phá, trong đó đẩy mạnh công tác tiếp thị, thống nhất quản lý thị trường tiêu thụ than toàn TVN và áp dụng các giải pháp tổng hợp kinh tế hành chính nhằm đẩy lùi và xoá bỏ nạn khai thác, kinh doanh than trái phép. Đồng thời chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành nghề phá thế độc canh than, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Theo đó, người công nhân được quan tâm, chăm sóc toàn diện về văn hoá, thể thao, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt và nhất là thu nhập tiền lương của người lao động. Từ thu nhập tiền lương bình quân năm 1995 của lao động ngành Than là 500.000 đồng/người/tháng đến nay thu nhập của 13 vạn lao động toàn ngành đạt 7,7 triệu đồng/người/tháng. Riêng lao động ngành Than tại Quảng Ninh khoảng 90.000 người, tiền lương bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định suốt 20 năm thành lập và phát triển của Tập đoàn đã ghi nhận sự cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực, thậm chí cả xương máu của lớp lớp thợ mỏ, cán bộ công nhân viên, người lao động và các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn. Tuy ở mỗi giai đoạn phát triển có những đặc điểm khác nhau nhưng mục tiêu “từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh” của Tập đoàn thì luôn xuyên suốt và tập thể CBCN Tập đoàn tiếp tục phát huy truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm để đạt được sự tăng trưởng cao trong sản xuất kinh doanh, xứng đáng là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà Chính phủ đã giao.

Thợ lò Công ty Than Hòn Gai chuẩn bị vào ca sản xuất. Ảnh: Thanh Hiện (Công ty Than Hòn Gai)
Thợ lò Công ty Than Hòn Gai chuẩn bị vào ca sản xuất. Ảnh: Thanh Hiện (Công ty Than Hòn Gai)

- Là một trong những Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ở nước ta được Chính phủ thí điểm thành lập, Tập đoàn đã có chiến lược phát triển như thế nào?

+ Đúng vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là một trong những Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ở nước ta được Chính phủ thí điểm thành lập từ 1-1-2006. Đây là một bước đệm mang tính đột phá của ngành, đưa ngành Than - Khoáng sản Việt Nam lên một tầm cao mới về tổ chức quản lý.

Trên cơ sở đó, Tập đoàn đã từng bước hình thành, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh đa ngành, tạo ra các chuỗi sản phẩm và giá trị gia tăng. Trong quá trình thực hiện, Tập đoàn đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu tư kinh doanh theo chiến lược đã được phê duyệt. Để vượt qua những khó khăn trước mắt và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, chúng tôi đã và đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu: Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp…

Theo đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của TKV được thể hiện rõ ràng qua các con số. Đó là: Từ năm 1995 đến 2005 tổng doanh thu của TVN đã tăng từ 2.450 tỷ đồng lên 22.800 tỷ đồng (tăng hơn 9 lần). Từ năm 2006 đến 2013 tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng từ 29.100 tỷ đồng lên 102.800 tỷ đồng (tăng gần 3,5 lần), trong đó doanh thu các ngành ngoài than - khoáng sản đã tăng từ 9.280 tỷ đồng lên 43.315 tỷ đồng (tăng gần 4,7 lần), nhờ đó đưa tỷ trọng doanh thu các ngành ngoài than - khoáng sản tăng từ 33,6% lên 42,1%, tạo ra sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu kinh doanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Như vậy, mô hình phát triển kinh doanh đa ngành trên nền than - khoáng sản đã phát triển đúng hướng theo chuyển dịch cơ cấu kinh doanh và mô hình tăng trưởng dựa trên giá trị gia tăng và chuỗi sản phẩm trên nền than - khoáng sản.

- Hiện nay, đi đôi với việc phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo toàn diện đời sống người lao động thì việc cải tạo, phục hồi môi trường Vùng mỏ đã được Tập đoàn nỗ lực thực hiện như thế nào?

+ Do nhận thức sâu sắc rằng hoạt động khai thác, chế biến than - khoáng sản gây nhiều tác động xấu tới môi trường và là lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với sức khoẻ và an toàn của người lao động nên ngay từ đầu mới thành lập, TVN trước đây và TKV sau này đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Chiến lược phát triển của Tập đoàn đã đề ra phương châm phát triển: “‘Thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” với mục tiêu “Mỏ xanh - Mỏ sạch - Mỏ an toàn”. Để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ nêu trên, TKV đã thành lập các quỹ tập trung của Tập đoàn, trong đó Quỹ môi trường được thành lập từ năm 1999 với nguồn thu chủ yếu được trích vào giá thành sản xuất than, khoáng sản. Kể từ khi thành lập đến năm 2013, tổng Quỹ môi trường đã huy động được khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học, xử lý sự cố môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường khác. Với sự nỗ lực, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị trong Tập đoàn, trong đó các đơn vị và lực lượng làm môi trường là nòng cốt, các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai đã từng bước đi vào nền nếp và có chiều sâu, phòng ngừa và khắc phục kịp thời nhiều sự cố cũng như hậu quả ô nhiễm môi trường trong quá khứ để lại; đặc biệt giảm thiểu được đà suy thoái môi trường ở Vùng mỏ.

Nhờ những giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nên tình hình môi trường Vùng mỏ, an toàn và sức khoẻ người lao động từng bước được cải thiện đáng kể, trên cơ sở đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đang phát triển theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Cảm ơn ông và nhân dịp này, xin chúc TKV vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giành nhiều thắng lợi mới!

Báo QN